0


- Sinh năm: Ngày 25/8/1911.

- Cấp bậc, chức vụ cao nhất: Đại tướng, Phó thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Quê quán: Làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình
- Trú quán: Phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội
- Thành phần: Nhà nho yêu nước.
- Năm tham gia cách mạng: Năm 1925.
- Năm nhập ngũ: Năm 1944.
- Ngày vào Đảng – Chính thức: Năm 1940.
- Năm phong quân hàm cấp tướng: Đại tướng năm 1948.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925 khi mới 14 tuổi. Năm 1929, đồng chí tham gia cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành Đảng Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam vì tham gia các cuộc biểu tình chống Pháp. Không có chứng cớ, cuối cùng, chúng buộc tha đồng chí. Đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng trên mặt trận văn hoá, viết bài cho những tờ báo công khai như: Tin tức,Nhân dân,Tiếng nói của chúng ta,Lao động, làm biên tập viên cho các tờ báo của Đảng, dạy sử, địa cho Trường tư thục Thăng Long.

Năm 1934, đồng chí kết duyên với Bà Nguyễn Thị Minh Thái, một Đảng viên Cộng sản, cộng sự đắc lực của đồng chí. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, hai vợ chồng đồng chí sống ở số nhà 46 phố Nam Ngư, Hà Nội. Sau này, Bà Nguyễn Thị Minh Thái bị thực dân Pháp bắt, giết chết bà trong ngục nhà tù Hoả Lò. Từ năm 1936 đến 1939, đồng chí tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, biên tập viên các tờ báo của Đảng, Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội.

Năm 1939, đồng chí cùng đồng chí Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được sự dìu dắt của Người, năm 1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.Tháng 5 năm 1941, đồng chí trở về Cao Bằng, tham gia gây cơ sở cách mạng, lập ra Mặt trận Việt Minh, tham gia chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng. Năm 1942, đồng chí phụ trách Ban Xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ.

Tháng 12/1944, đồng chí được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22/12/1944, tại một khu rừng ở châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã uỷ nhiệm cho đồng chí đứng ra tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đồng chí được giao nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy.

Tháng 3/1945, đồng chí đưa Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến xuống phía Nam, hội quân với đội Cứu quốc quân của đồng chí Chu Văn Tấn ở vùng chợ Chu, Thái Nguyên để thống nhất tổ chức thành Việt Nam giải phóng quân.

Ngày 4/8/1945, đồng chí là Uỷ viên Uỷ ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, làm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam Giải phóng quân, tham gia Uỷ ban Chỉ huy Lâm thời khu Giải phóng Việt Bắc.

Đồng chí được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ II, cử vào Ban Chấp hành Trung ương và là Uỷ viên Thường vụ ban Chấp hành Trung ương, tham gia Uỷ Ban Khởi nghĩa toàn quốc, Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Lâm thời.

Tháng 1/1946, đồng chí được cử là Chủ tịch quân sự, Uỷ viên hội đồng trong Chính phủ Liên hiệp, Phó trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Pháp tại Hội nghị ở Đà Lạt. Năm 1946, đồng chí kết hôn với Bà Đặng Thị Bích Hà (Con gái cố Giáo sư Đặng Thai Mai).

Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110/SL, phong đồng chí làm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 27/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ra Nghị quyết: “Lập chế độ chính trị uỷ viên, đại diện chỉ huy kiêm Chính uỷ. Tháng 6/1950, có Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Đảng chấn chỉnh tổ chức thành Bộ Quốc phòng, đồng chí là Tổng tư lệnh, Tổng chính uỷ, Bí thư Quân uỷ Trung ương. Đồng chí đảm nhiệm các cương vị trên từ năm 1945 đến năm 1975.

Về Đảng, đồng chí liên tục được bầu là Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá II (năm 1951), đến khoá VI (Ngày 20/12/ 1986), làm Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá từ khoá II đến khoá VI. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá I (năm 1946) đến khoá VI (Năm 1986). Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn: Biên Giới năm 1950, Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí cùng Bộ Chính Trị chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.

Năm 1980, đồng chí thôi giữ chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rút khỏi Bộ Chính trị năm 1982. Cuối năm 1983, đồng chí được cử làm Chủ tịch Uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Cuối năm 1993, đồng chí được suy tôn làm Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đồng chí là tác giả của nhiều tác phẩm và sách lý luận quân sự được xuất bản trong và ngoài nước. Từ năm 1948 đến nay, đồng chí có gần 70 đầu sách trong đó có sách văn học, có sách viết về đề tài khoa học kỹ thuật, kinh tế, có cuốn tái bản đến 5,6 lần. Ngoài ra còn có 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị.

Ông Carl Thayer, một học giả người Úc, nhận định: “Đối với Việt Nam, ông Giáp là một nhân vật huyền hoại và anh hùng”. Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, người từng tham gia chiến tranh Việt Nam, gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đang ở thăm Việt Nam, ông Webb nói với AFP: “Ông Giáp là một nhân vật lịch sử. Tôi chúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp mọi điều tốt đẹp nhất”. Bài viết của hãng AP khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhân vật rất được người Việt Nam tôn kính. Thời chống Pháp, ông cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy các chiến dịch quân sự để đưa Việt Nam giành được độc lập, chấm dứt chế độ thực dân Pháp trên khắp Đông Dương. Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 35 năm qua, cho biết: “Đại tướng đã góp phần đánh bại 2 cường quốc lớn. Ông là người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Đồng chí được Nhà nước Lào tặng Huân chương vàng Quốc gia Lào, Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng Co. Đồng chí được Đảng, Chính phủ các nước tặng nhiều Huân chương cao quý.

Phần thưởng được Đảng, Nhà nước trao tặng:

- Huân chương Sao vàng.
- Hai Huân chương Hồ Chí Minh.
- Hai Huân chương Quân công hạng nhất.
- Huân chương Chiến thắng hạng nhất.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
- Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.
- Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.


Đăng nhận xét

 
Top