0
Mẹ thường chỉ chọn cà pháo để muối. Cà muối của mẹ thơm lừng, giòn và trắng nõn.

>> Xem thêm: Cách muối cà pháo

"Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương"

Quê tôi, nhà ai vườn cũng rộng, bên cạnh trồng các loại cây ngắn ngày như đậu, bắp, mướp, rau..., bà con còn tranh thủ vun thêm vài luống cà để cải thiện bữa ăn. Ra giêng người dân quê bắt đầu trồng cà, thế nên mới có câu "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà".

“Họ hàng” nhà cà cũng khá đa dạng, với cà pháo, cà chua, cà tím... Vào độ khoảng tháng ba, tháng tư âm lịch, ngoài chợ bắt đầu xuất hiện những gánh cà chua, cà pháo đầy ngồn ngộn, xếp bên những rổ cà tím vỏ sẫm óng ánh tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, sống động.

Các món ăn từ cà đậm vị dân dã, chỉ cần một chút khéo léo trong chế biến là đã có những món hấp dẫn và ngon miệng. Trong các loại cà, mẹ tôi chỉ thích chọn cà pháo để muối. Tôi ăn cà muối của mẹ từ lúc còn mặc quần thủng đáy, mũi thò lò, như bất kỳ đứa trẻ con nào ở quê. Nhớ nhất những hôm theo đám bạn chăn trâu, cắt cỏ về nhà đói bụng quá, bới vội chén cơm nguội, gắp vài miếng cà pháo vậy mà ngon đáo để. Lớn lên một tý, mỗi lần giúp mẹ muối cà, mẹ thường dặn phải chọn những quả cà tròn, đều tăm tắp như những viên cuội mới ít hạt. Nếu quả cà pháo to bổ làm đôi, đem phơi một nắng cho vừa ỉu, không được phơi lâu vì sẽ làm cho cà không còn dòn mà lại dai, khó nhai.


Muối cà tuy đơn giản nhưng phải có "tay" thì cà mới giòn, trắng nõn và không bị chua

Mẹ sắp từng lớp cà vào vại sành, cứ một lớp lại rải đều một lớp muối trắng. Kể ra, muối như thế thì hơi mặn, nhưng hợp với lối ăn uống nhiệm nhặt, tiết kiệm của các cụ ta ngày xưa. Nước sôi để nguội đổ vừa xâm xấp mặt cà rồi thả dăm lát gừng. Xong đặt vỉ, nén thật chặt cốt sao lúc nào quả cà cũng ngập nước. Đến khi vớt ra, để bao lâu cà vẫn trắng phau, không bị thâm tái. Muối cà tuy đơn giản là vậy nhưng phải có "tay" thì cà mới giòn, trắng nõn và không bị chua. Mùa hè, có bát canh rau với dăm quả cà muối là xong bữa.

Còn cà tím thì chế biến được phong phú các món như xào, nướng, hấp,... Cà tím rửa sạch, xắt khúc dài ngâm qua nước muối loãng. Bắc chảo lên bếp, cho vào một muỗng dầu, phi thơm tỏi và sả rồi cho cà vào xào đều, nêm mắm vừa miệng. Xào to lửa đến khi cà chín tới thì bắc xuống. Dùng nóng với cơm trắng. Một điều đặc biệt là không ai có thể chê món cà tím nướng. Chọn những trái cà to, già đem nướng sem sém vỏ trên bếp lửa than, lột vỏ dầm với xì dầu. Dễ dàng nhất là món cà hấp, trái cà được bổ ra nhiều múi mỏng cắt khéo léo để các múi không lìa hẳn nhau, còn dính tí chút. Khi nồi cơm vừa cạn, mở vung, bỏ dĩa cà vào, đậy nắp lại. Hơi nóng của nồi cơm đủ làm cho cà chín. Trước khi dọn ra mâm, ép cho cà ra bớt nước, đổ nước đi, rồi đổ lên dĩa cà một ít nước mắm và vài trái ớt, vài múi tỏi giã dập.

Ngày mới xa quê, cứ tưởng cà quê chỉ gắn bó với người dân chân lấm tay bùn, không ngờ lại có mặt tại các nhà hàng sang trọng ở phố. Mỗi lần vào nhà hàng, mùi thơm của cà khiến lòng tôi da diết nhớ quê nhà, nhớ hương vị đậm đà, dân dã từ các món cà được chế biến bởi bàn tay mẹ.


Theo Phan Thanh Ly (Báo Tin Tức)

Đăng nhận xét

 
Top